LỆNH CẤM CỦA EU VÀ ẢNH HƯỞNG TỚI NGÀNH PERFUMERY

Ngày đăng: 28/08/2022 11:12 AM

    + LỆNH CẤM CỦA EU VÀ ẢNH HƯỞNG TỚI NGÀNH PERFUMERY

    + Oakmoss và Treemoss là 2 trong số các nguyên liệu được các perfumer yêu thích, vốn được sử dụng trong các thương hiệu nước hoa nổi tiếng thế giới. Đây là thành phần không thể thiếu trong các loại nước hoa hương gỗ như dòng Mitsouko của Guerlain sản xuất từ năm 1919, hay tạo nên hương gỗ phảng phất trong Cha.-nel No.5 huyền thoại và không thể quên Miss Dior của Dior. Oakmoss và Treemoss giúp tạo 1 màu nâu sậm như mầu đất cho các loại nước hoa này và giúp chúng thơm sâu hơn, lâu hơn. Sẽ không phải là nói quá nếu cho rằng hương thơm này chính là “xương sống” cho tất cả những mùi hương nước hoa được yêu thích trong cả thế kỷ

    + Tuy nhiên năm 2012, các kết quả nghiên cứu cho thấy hai thành phần chính tạo hương thơm từ rêu gỗ sồi là atranol và chloroatranol đang bị Ủy ban Châu Âu xem là một trong những chất có hại nhất đối với làn da của con người, gây ra dị ứng, tình trạng viêm da, gây mẩn ngứa và kích ứng trên khoảng 1-3% dân số châu Âu. Những người nhạy cảm với các chất này sẽ có nguy cơ bị sốc ngộ độc kể cả khi họ không sử dụng các loại nước hoa hoặc sản phẩm hóa mỹ phẩm chứa hai thành phần này, mà chỉ cần ngửi thấy mùi thơm tại các môi trường công cộng như văn phòng, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm v.v... là có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế Ủy ban Nghiên cứu khoa học vì Sức khỏe người tiêu dùng (SCCS) đã đề xuất cấm sử dụng Oakmoss và Treemoss trong ngành hóa mỹ phẩm

    + Bên cạnh đó, HICC hay Lyral, 1 chất mô phỏng mùi Lilac /muguet vốn trước đây chỉ nằm trong danh mục 26 chất gây dị ứng cần kê khai trên bao bì, cũng đã bị đề xuất đưa vào danh mục cấm sử dụng do có khả năng gây dị ứng da, đau nhức hoặc nứt da trên 1 số người

    + Sau nhiều năm dự thảo luật và tranh cãi, cuối cùng ngày 2/8/2017, EU cũng chính thức ban hành quy định cấm sử dụng 3 nguyên liệu trên trong các sản phẩm hóa mỹ phẩm (cosmetics). Lệnh cấm này được gọi nôm na là “The Big Ban” cho thấy mức độ ảnh hưởng của nó lên ngành công nghiệp này như thế nào – đặc biệt là lệnh cấm Lyral

    + Đơn giản hóa thì bởi lẽ rất nhiều các thương hiệu hóa mỹ phẩm / nước hoa lớn đều có trụ sở ở châu Âu và rất nhiều sản phẩm của họ lại chỉ lưu hành tại thị trường EU – nơi chịu ảnh hưởng của lệnh cấm này. Không những thế, bất cứ nhà sản xuất nào muốn bán sản phẩm của mình vào EU thì cũng phải tuân thủ quy định này nếu không muốn bị cấm cửa. Việc thay đổi để thích nghi với những quy định này tuy không phải là bất khả thi, nhưng cũng rất mất thời gian, công sức và đòi hỏi những chuyên gia mùi hương của các hãng hương liệu phải đầu tư tâm sức rất nhiều. May thay EU vẫn dành cho các nhà sản xuất 1 khung thời gian hợp lý để họ kịp thích nghi với lệnh cấm. Theo đó:

    - Từ 23/8/2017 tới trước 23/8/2019, các sản phẩm chứa 3 chất này vẫn được lưu hành trên thị trường, các sản phẩm mới được lên kệ trong thời hạn này cũng không chịu sự điều chỉnh của lệnh cấm này miễn là tuân thủ các quy định khác của EU và IFRA về % cho phép

    - Sau 23/8/2019: bất cứ sản phẩm mới nào cũng không được chứa các chất cấm này.

    - Sau 23/8/2021: tất cả sản phẩm chứa 3 chất cấm này sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường

    + Tại Đông Nam Á và Việt Nam

    Thời gian biểu của việc cấm các chất này lại được rút ngắn hơn. “Các chất Lyral (HICC), Atranol, Chloroatranol: được đưa vào phụ lục II (Các chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm). Các doanh nghiệp không được tiếp tục công bố các sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa một hoặc một số các chất nêu trên. Các sản phẩm mỹ phẩm có chứa một hoặc một số chất này đã được cấp Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm được tiếp tục lưu hành trên thị trường đến ngày 01/01/2020

    + Như vậy, vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng đã được các cơ quan quản lý chuyên ngành của EU và ASEAN quan tâm hơn cả và điều này đặt ra những nhiệm vụ nặng nề cho nền công nghiệp điều chế mùi thơm, khi mà những nguyên liệu truyền thống được sử dụng trong hàng chục năm qua đã bị cấm sử dụng. Để tiếp tục công việc của mình, các nhà điều chế nước hoa buộc phải nghiên cứu tìm ra thành phần khác thay thế và việc này thì lại không đơn giản tí nào

    + Gỡ bom Oakmoss và Treemoss

    + Như đã nói, Ủy ban châu Âu đã ban hành một luật mới (Quy định EU No 2017/1410) cấm sử dụng Hydroxyisohexyl 3-Cyclohexene Carboxaldehyde (HICC, tên thương mại: Lyral), 2, 6-Dihydroxy-4-methyl-benzaldehyde (Atranol) và 3-Chloro-2, 6-Dihydroxy-4-methylbenzaldehyde (Chloroatranol). Ba chất gây dị ứng này gây ra số trường hợp dị ứng tiếp xúc cao nhất trong những năm qua, điều này biện minh cho một lệnh cấm hoàn toàn theo SCCS và các nước thành viên EU.

    + Gilles Thévenin, chủ sở hữu của nhà máy nước hoa Lubin, vào năm 2014 từng mô tả các quy định được đề xuất (và đã được duyệt vào tháng 8/2017) là điên rồ. "Họ không nhận ra họ đang giết chết ngành công nghiệp nước hoa của Pháp," ông nói.

    + Atranol và Chloroatranol không phải là thành phần hương thơm, nhưng chúng xuất hiện tự nhiên trong Oakmoss (Evernia prunastri) và chiết xuất từ Treemoss (Pseudevernia furfuracea / Usnea furfuracea). Hai chất này tạo nên màu nâu sẫm như màu đất và tăng độ sâu mùi cũng như độ lưu mùi cho các loại nước hoa như Chanel No.5 và Miss Dior. Tuy nhiên, ảnh hưởng của lệnh cấm sử dụng 2 chất này lên cộng đồng ít nghiêm trọng trọng hơn vì hai lý do:

    - Do yếu tố giá cả, Oakmoss và Treemoss thường được sử dụng trong các loại nước hoa hoặc mỹ phẩm cao cấp.

    - IFRA, Hiệp hội Hương liệu Quốc tế, từ lâu đã đặt ra các Tiêu chuẩn để đảm bảo mức độ tinh khiết của Oakmoss và Treemoss: nồng độ tối đa của Atranol và Chloroatranol trong các chiết xuất từ Oakmoss và Treemoss chỉ là 100 ppm (0,01% trọng lượng của chiết xuất). Bên cạnh đó, IFRA còn tiếp tục quy định nồng độ tối đa của chiết xuất Oakmoss và Treemoss trong các sản phẩm mỹ phẩm chỉ ở mức 0,1%.

    + Như vậy miễn là các nhà sản xuất hương liệu và mỹ phẩm tuân thủ đúng các quy định hiện hành của IFRA thì nồng độ tối đa của Atranol và Chloroatranol trong sản phẩm mỹ phẩm cũng chỉ đạt mức tối đa 0.01 phần triệu (0.00001%) trong sản phẩm cuối cùng. Con số này quá nhỏ và chỉ được kê khai là “Dấu vết/Trace” theo quy định của IFRA. Vì thế, lệnh cấm Atranol và Chloroatranol của EU không ảnh hưởng quá lớn tới những thương hiệu nổi tiếng như Chanel hay Dior hay toàn bộ ngành công nghiệp trị giá hơn 200 tỷ USD này.

    + Hiện tại, Tập đoàn L'Oréal – chủ của các dòng nước hoa Lancôme, Giorgio Armani, Yves Saint Laurent v.v... - đã tuyên bố sản phẩm của họ không hề chứa atranol hay chloroatranol. Tương tự, Chanel cũng đã tuyên bố tuy việc thay đổi là khó khăn nhưng họ sẽ làm được: “Đó chính là nhiệm vụ của Phòng thí nghiệm Nước hoa Chanel, chúng tôi có những tài năng và những "cái mũi" nhạy bén nhất, hoàn toàn có thể vừa tuân thủ quy định mới vừa có thể bảo toàn được cá tính đặc trưng của mỗi mùi hương.”

    + Nỗi lo về sự giảm chất lượng mùi hương do lệnh cấm Oakmoss và Treemoss có thể coi là đã được giải quyết xong. Vấn đề còn lại sẽ chỉ tập trung vào “nhân vật” cuối cùng trong lệnh cấm - Hydroxyisohexyl 3-Cyclohexene Carboxaldehyde (HICC, tên thương mại: Lyral).

     

    + VỀ LỆNH CẤM LYRAL CỦA ỦY BAN CHÂU ÂU


    + Có thể bạn đã biết: theo lộ trình do Ủy ban Khoa học của EU đề ra thì các sản phẩm có các chất atranol, chloroatranol và Hydroxyisohexyl- 3 -cyclohexene carboxaldehyd (HICC) sẽ không được lên kệ sau ngày 27/8/2019 và tất cả các sản phẩm có các chất này sẽ bị cấm bán tại EU sau 27/8/2021. Việc cấm sử dụng chất này đang khiến người dùng nước hoa lo lắng về sự thay đổi mùi của các loại nước hoa tông Muguet – nhất là phiên bản giới hạn thường niên Muguet của nhà Guerlain.


    + Thuộc phân nhóm mùi Floral (Floral, Muguet, Aldehydic), Lyral được mô tả mùi đầy đủ là: “một mùi hoa tinh tế mềm mại, hoa huệ, cyclamen, lilac gợi nhớ đến hydroxycitronellal”. Lyral có độ bền và độ khuếch tán mùi phi thường, là một tác nhân mạnh mẽ trong các công thức pha trộn mùi, mang lại sự đầy đặn trong tất cả các giai đoạn tỏa mùi của một chế phẩm nước hoa. một nguyên liệu thơm tuyệt vời đã được sử dụng trong tất cả các loại nước hoa nổi tiếng từ thời ông bà của chúng ta trong hơn 50 năm. Lịch sử ghi nhận vào ngày 11 tháng 6 năm 1956 Givaudan đã được cấp bằng sáng chế cho lilial còn năm 1960 công ty IFF của Mỹ đã tổng hợp và bắt đầu sản xuất Lyral. Từ đó, trong những mùi hương mới, hai vật liệu này bắt đầu thay thế các chất tạo mùi Huệ chuông cũ.


    + Tất nhiên, lyral và lilial được sử dụng không chỉ trong các mùi tông Lily of the Valley. Là một chất bổ sung tông mùi hoa phổ quát và khá trung tính, chúng được sử dụng gần như trong mọi thể loại nước hoa bao gồm cả họ mùi Oriental và Wood, ví dụ, xuất hiện trong Idole de Lubin (phiên bản 2005 của Olivia Giacobetti ). Thành ra có thể nói gần như 100% các loại nước hoa được sản xuất vài năm trước đều có ít nhất một trong những nguyên liệu này trong thành phần của nó.


    + Đầu tiên là IFF (International Flavour and Fragrances) – “cha đẻ” của Lyral – đã cung cấp cả 1 danh sách các "chất thay thế" cơ bản có thể thay thế mùi Lily of the Valley dùng cho các loại sản phẩm khác nhau như nước hoa, chất tẩy rửa, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc tóc. Nếu bạn quan tâm đến các công thức cụ thể, bạn có thể dễ dàng tìm thấy chúng qua internet - IFF không che giấu chúng, điều này thật khá ngạc nhiên.


    + Công ty hương liệu hàng đầu thế giới Givaudan có một nguyên liệu động quyền có thể thay thế hoàn hảo cho lyral được gọi là Mahonial. Mahonia là một chi gồm khoảng 70 loài cây bụi thường xanh trong họ Berberidaceae với hoa màu vàng có mùi tinh tế; đôi khi Mahonia được gọi là huệ chuông bụi. Nhìn vào công thức chúng ta thấy rằng Mahonial có cấu trúc rất gần với lyral. Với mùi của nó, Mahonial gần với lyral, nhưng theo những người biết nó, nó thậm chí còn dai dẳng hơn. Và, tất nhiên, nó không có tất cả các đặc tính tiêu cực của lyral. Một nguyên liệu khác của Givaudan có tên là Dupical được đanh giá nó là mùi huệ chuông thơm mạnh mẽ và dai dẳng nhất trong tất cả các chất tạo mùi hoa huệ chuông được biết đến ngày nay. Ngoài ra còn có một mùi hoa huệ chuông "cổ điển" riêng biệt của Givaudan được gọi là Nympheal.


    + Với các loại nước hoa từng dùng Lilial và Lyral trong 1 thời gian dài, quá trình thay thế cũng đã và đang diễn ra từ từ khiến cho chúng ta quen dần với mùi Huệ chuông mới. Dĩ nhiên, không phải bất cứ sự thay thế nào cũng thanh công 100% mà vẫn sẽ có những sự khác biệt nho nhỏ về tông mùi, về độ bám (nguyên liệu rẻ thì không bám lâu còn nguyên liệu giống thì lại không rẻ). Muốn hay không muốn, chúng ta cũng phải chấp nhận sự thật là nếu dễ dàng thì người ta đã thay thế Lyral từ lâu rồi chứ không phải đợi đến hôm nay.


    + Còn đối với chai nước hoa Muguet trứ danh của nhà Guerlain thì sao? Chắc chắn Thiery Wasser – cái mũi đằng sau mùi hương này – cũng đã phải nâng lên đặt xuống rất nhiều loại nguyên liệu thay thế cho Lyral và Lilial trong mùi hương phiên bản giới hạn thường niên này. Sự khác biệt giữa các bản với nhau thế nào chỉ có ông ấy biết nhưng các fan hâm mộ của Muguet hãy cứ yên tâm là minh sẽ có được mùi hương độc đáo nhất đến từ Guerlain vào mỗi ngày 1 tháng 5 hàng năm.

    Trân trọng Cám ơn.

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    0
    Zalo
    MINH TU AUTHENTIC